Xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp liên kết theo chuỗi

Trước đây, nghề nuôi tôm nước lợ phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế nông nghiệp mũi nhọn của xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Tuy nhiên, do chưa áp dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, các hộ nuôi tôm ở đây chỉ dừng lại bằng những mô hình nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả không cao, lợi nhuận thấp. Ðể hỗ trợ nông dân sản xuất theo quy trình, tăng năng suất, tạo chuỗi sản phẩm an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, xã Hiệp Phước đã vận động nông dân “chuẩn hóa” kiến thức, quy trình nuôi tôm phát triển theo hướng công nghệ cao và tiến đến thành lập HTX Nông nghiệp Hiệp Thành cách đây gần 5 năm. Sau khi vào HTX, các xã viên đã nhanh chóng chuyển đổi mô hình sản xuất manh mún sang mô hình sản xuất có ứng dụng công nghệ cao đưa năng suất nuôi tôm từ 3 đến 4 tấn lên 12 đến 20 tấn/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Phương, xã viên HTX Nông nghiệp Hiệp Thành cho biết: “Khi vào HTX, tôi nhận được nhiều hỗ trợ từ việc liên kết với các công ty cung cấp thức ăn, con giống, bạt lót ao, vật tư phục vụ cho việc nuôi trồng thủy sản với những sản phẩm có chất lượng và giảm được giá thành. Ðồng thời, cũng được vay ưu đãi vốn để sản xuất từ các chính sách hỗ trợ phát triển HTX của TP Hồ Chí Minh, qua đó, giúp tôi yên tâm sản xuất nâng cao thu nhập. Mỗi năm, thu nhập từ việc nuôi tôm 2 ha mặt nước của tôi đạt hơn một tỷ đồng”. Ðến nay, HTX Nông nghiệp Hiệp Thành thu hút hơn 10 xã viên là những hộ nuôi tôm có kinh nghiệm lâu năm tham gia làm ăn tập thể với tổng số 63 ao nuôi tôm, tổng diện tích mặt nước canh tác gần 30 ha. Nhờ ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm, tổng sản lượng tôm mà HTX cung cấp ra thị trường trung bình hằng năm từ 250 đến 300 tấn tôm. Theo HTX Nông nghiệp Hiệp Thành, hướng tới, HTX tiếp tục vận động các hộ nuôi tôm tại địa phương vào HTX để tạo ra vùng nuôi tôm công nghệ cao rộng lớn, bởi hiện trên địa bàn xã Hiệp Phước có hơn 230 ha nuôi tôm và hai tổ hợp tác nuôi tôm với gần 30 thành viên tham gia.

Theo Sở NN-PTNT thành phố Hồ Chí Minh, một số HTX nông nghiệp đã biết phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển và có xu hướng chuyển dần từ hình thức chỉ tổ chức sản xuất hoặc chỉ tiêu thụ sản phẩm sang cung cấp dịch vụ phục vụ sản xuất. Việc chuyển đổi này phù hợp với sự thay đổi của nền kinh tế thị trường, phù hợp tính chất đặc thù của nông nghiệp đô thị thành phố. Cùng với đó, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh của các HTX nông nghiệp đã góp phần nâng cao nhận thức của hộ nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ đưa hộ nông dân trở thành đối tượng tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, theo hướng sản phẩm sạch, an toàn, truy xuất được nguồn gốc… Tuy nhiên, các HTX nông nghiệp trên địa bàn thành phố gặp một số khó khăn như, chưa thu hút được nhiều hộ nông dân tham gia; chưa tiếp cận được vay vốn tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NÐ-CP ngày 9-6-2015 và Nghị định số 116/2018/NÐ-CP ngày 7-9-2018 về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức sản xuất các HTX; phần nhiều các HTX hoạt động với quy mô nhỏ lẻ, thiếu liên kết hợp tác với nhau, thậm chí có tình trạng cạnh tranh nhau, không thể phối hợp để cùng cung ứng những đơn hàng lớn theo yêu cầu của các doanh nghiệp; trụ sở, cơ sở hạ tầng còn hạn chế…

Nguyên nhân chính do trình độ, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ quản lý HTX chưa đáp ứng, hạn chế trong việc đưa ra chiến lược, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tìm kiếm thị trường. Cùng với đó, hệ thống pháp luật còn chồng chéo và chưa tạo được động lực để thúc đẩy các HTX nông nghiệp kiểu mới phát triển…

Ðể đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể cả chiều rộng và chiều sâu, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, Sở NN-PTNT thành phố vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc phê duyệt đề án phát triển HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gắn với các sản phẩm chủ lực của nông nghiệp thành phố, như rau, hoa kiểng, heo, tôm nước lợ, cá cảnh… theo hình thức HTX liên kết với các DN, siêu thị từ đầu vào đến đầu ra (mỗi năm xây dựng từ 6 đến 10 mô hình HTX liên kết với doanh nghiệp, siêu thị). Cùng với đó, tiếp tục triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình HTX nông nghiệp tiên tiến, hiện đại tại năm huyện xây dựng nông thôn mới là Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh.

Bài và ảnh: KHÁNH TRÌNH/nhandan.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *