LÃNH ĐẠO UBND TỈNH KHẢO SÁT MỘT SỐ CƠ SỞ SẢN XUẤT SẢN PHẨM OCOP TẠI THÀNH PHỐ TAM ĐIỆP VÀ HUYỆN YÊN MÔ

Chiều 1/3, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đi khảo sát, nắm tình hình tại một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của tỉnh tại thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô. Cùng đi có lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT, Văn phòng UBND tỉnh và lãnh đạo các địa phương có liên quan. Tại thành phố Tam Điệp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng cùng đoàn đã tới khảo sát, nắm tình hình sản xuất tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tảo Việt, thuộc xã Đông Sơn với sản phẩm tảo xoắn tươi và tảo xoắn nguyên chất đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Hiện sản phẩm đã được bán trên sàn thương mại điện tử và qua các nhà phân phối trên toàn quốc. Đoàn đã thăm mô hình sản xuất tinh dầu tràm, đây là sản phẩm đạt OCOP 4 sao của HTX dược liệu Đông Sơn. Sản phẩm được phân phối trên thị trường toàn quốc với doanh thu từ 120-140 triệu/ha, thu lãi 100 triệu đồng/ha. Tại huyện Yên Mô, đoàn đã thăm, khảo sát hoạt động của HTX dược liệu Thành Công – đơn vị đang sản xuất sản phẩm tinh dầu Bạch đàn chanh – sản phẩm đạt OCOP 3 sao tại xã Yên Thái. Hiện mỗi ngày HTX tiêu thụ 4 tấn nguyên liệu, cho ra thành phẩm 30 lít tinh dầu, các sản phẩm được tiêu thụ trên địa bàn toàn quốc. Đơn vị dự định mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên. Tại các nơi đến thăm, đại diện các HTX đã báo cáo tình hình sản xuất, khả năng cung ứng sản phẩm ra thị trường và định hướng phát triển trong tương lai. Các cơ sở sản xuất cũng mong muốn được Nhà nước hỗ trợ nhiều hơn nữa về phát triển vùng nguyên liệu, hỗ trợ công nghệ chế biến khép kín và tìm kiếm mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, nhất là khi sản phẩm được đưa ra thị trường nước ngoài. Qua khảo sát, nắm tình hình hoạt động của các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng đánh giá cao sự nhiệt huyết, quyết tâm, năng động, sáng tạo của các HTX trong việc nâng cao giá trị sản phẩm OCOP, bước đầu đã khẳng định được chỗ đứng trên thị trường và hoàn toàn có cơ sở để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển, nhân rộng trên địa bàn theo chiến lược đã được xác định gắn nông nghệp với phát triển du lịch. Chia sẻ với những khó khăn, vướng mắc mà các HTX đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng mong muốn các chủ cơ sở phải quyết tâm hơn, khát vọng hơn để đưa sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của địa phương vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Để làm được điều này, đồng chí đề nghị các chủ cơ sở cần xây dựng định hướng, kế hoạch sản xuất- kinh doanh cụ thể để mở rộng thị trường, tăng tính canh trạnh và giá trị cho các sản phẩm OCOP. Đối với các sở, ngành, địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành cần nghiên cứu để hỗ trợ cho các HTX theo quy định của pháp luật, đặc biệt là theo Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND, ngày 15 tháng 7 năm 2022 của HĐND tỉnh “Quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022- 2025” để các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP có điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và từng bước khắc phục tình trạng ruộng bỏ hoang. Đồng thời khuyến khích, kêu gọi người dân, các doah nghiệp đầu tư cho nông nghiệp. Xây dựng sản phẩm OCOP cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng để Ninh Bình hoàn thiện các tiêu chí của tỉnh NTM. Nguồn: Báo Ninh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *