Nông dân vùng ven biển Kim Sơn đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường dịp cuối năm

Sau khi Chính phủ có Nghị quyết 128 chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, việc vận chuyển, tiêu thụ thủy hải sản có nhiều thuận lợi, lực mua tăng, giá tăng.

Nông dân vùng ven biển Kim Sơn đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường dịp cuối năm

Ao nuôi tôm của gia đình ông Trần Duy Hòa, xóm 5, xã Kim Trung (Kim Sơn) liên tục đạt sản lượng cao.

Do vậy, thời điểm này, ở huyện Kim Sơn – vùng trọng điểm nuôi trồng thủy sản nước mặn lợ, người dân đang đẩy mạnh sản xuất để đảm bảo nguồn cung cho tiêu dùng, cũng như tăng thu nhập, bù đắp lại khoảng thời gian khó khăn do dịch bệnh trước đó.

Vừa bán lứa tôm thứ 3 trong năm, ông Trần Duy Hòa (xóm 5, xã Kim Trung)  phấn khởi cho biết: Gia đình tôi có 5 ao nuôi tôm, tổng diện tích 3,5 mẫu. Vụ đầu tiên trong năm, tôi thu 0,2 tấn, bán giá 320 nghìn đồng/kg, lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ thứ 2 đạt sản lượng lớn nhất với hơn 1,3 tấn, nhưng lại vào đúng đợt dịch COVID-19 phức tạp, giá bán lúc đó chỉ có 170 nghìn đồng/kg nên lãi không đáng là bao. 

Cách đây vài ngày, tôi thu vụ thứ 3, may mắn giá tôm đã lên được hơn 200 nghìn đồng/kg, với 0,9 tấn, tôi lãi trên 90 triệu đồng. “Với tình hình tiêu thụ thuận lợi, giá cả khả quan như này, gia đình tôi dự định sẽ tập trung cải tạo ao đầm, sửa sang nhà bạt, tiếp tục thả lứa mới ngay trong tháng này để kịp phục vụ thị trường” – ông Hòa hào hứng nói.

Chưa có nhiều kinh nghiệm như ông Hòa, anh Trần Văn Thắng, xóm 1, xã Kim Hải, mới bắt tay vào nuôi tôm từ giữa năm 2021 này. Đầu tư hơn 400 triệu đồng xây dựng 4 ao tròn nổi hiện đại có mái che (diện tích 250m2/ao), rồi thêm gần 30 triệu đồng mua giống, thức ăn, nhưng anh Thắng đã gặp ngay “cú sốc COVID-19” khi lứa tôm đầu tiên thu hoạch đúng lúc dịch bệnh cao điểm, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc vận chuyển gặp khó khăn. Không xuất buôn được, hơn 1 tấn tôm, anh phải bán lẻ mỗi ngày dăm chục kg với giá “bèo” chỉ 85 nghìn đồng/kg nên không có lãi. 

Anh Thắng tâm sự: Số vốn đầu tư ban đầu quá lớn nên gia đình khá lo lắng. May mắn là những ngày qua, thị trường hải sản đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, lực mua trên thị trường tăng, giá tăng, trong khi nguồn cung đang khan hiếm dần. Ngoài 2 ao nuôi tôm đã xuất bán, hiện gia đình còn giữ được 2 ao khác với trọng lượng tôm đã đạt khoảng 80 con/kg. Thời điểm này, tôi đang theo dõi sát sao môi trường nước, tăng cường chăm sóc, cố gắng giữ cho con tôm khỏe mạnh, nuôi thêm khoảng nửa tháng nữa, đưa trọng lượng khoảng 40 con/kg thì sẽ xuất bán.  Hy vọng lúc đó giá sẽ cao hơn nữa, qua đó giúp tôi hồi lại vốn đầu tư. 

Theo UBND xã Kim Trung, những tháng đầu năm, mặc dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến giá các mặt hàng vật tư đầu vào phục vụ nuôi trồng thủy sản có nhiều biến động, nhưng về cơ bản việc sản xuất của bà con vẫn giữ ổn định. Diện tích nuôi thả tôm vụ 1 là 185 ha; sản xuất giống ngao, hàu là 160 cơ sở với diện tích gần 120 ha. Sản lượng thủy sản 9 tháng đầu năm trên địa bàn ước đạt gần 96 tấn, đạt trên 95% kế hoạch năm. 

Ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã cho biết: Sản xuất thủy sản của địa phương về cơ bản sẽ đạt và vượt kế hoạch sản lượng đề ra nhưng về mặt giá trị thì mới đạt trên 67%. Nguyên nhân là do dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi việc vận chuyển gặp nhiều khó khăn nên giá bán giảm. Trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19  hiện nay, thị trường đã có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. 

Do vậy, từ nay đến cuối năm, xã đang vận động, hướng dẫn bà con đẩy mạnh sản xuất nhằm tăng thu nhập, bù đắp lại khoảng thời gian khó khăn trước đó. Trước mắt, tập trung bảo vệ, thu hoạch tôm nuôi vụ 2, cải tạo ao đầm để thả giống tôm vụ đông; tiếp tục sản xuất giống hàu phục vụ thị trường ngoại tỉnh. Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện tối đa để người dân tiếp cận thuận lợi với các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng thương mại để đầu tư cho sản xuất. 

Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình thực tế để kịp thời tháo gỡ, giải quyết những bất cập, vướng mắc trong nuôi tôm, đặc biệt là chuỗi cung ứng thủy sản như: Con giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường, thú y… Chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia thu mua, tiêu thụ sản phẩm thủy sản đến kỳ thu hoạch.

Về phía ngành chuyên môn, đại diện Chi cục Thủy sản dự báo: Trong thời gian tới, sản xuất thủy sản tiếp tục chịu tác động lớn từ diễn biến của thời tiết như mưa bão, rét đậm, rét hại nên môi trường ao nuôi có nhiều biến động, thủy sản nuôi dễ bị sốc và nhiễm bệnh. 

Để đảm bảo mục tiêu kế hoạch thủy sản năm 2021, đơn vị sẽ cử cán bộ kỹ thuật tích cực bám địa bàn, tăng cường thu mẫu nước quan trắc cảnh báo môi trường vùng nuôi; tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật quản lý môi trường, chăm sóc đối tượng nuôi cho nông dân.

Bài, ảnh: Nguyễn Lựu

3 thoughts on “Nông dân vùng ven biển Kim Sơn đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản phục vụ thị trường dịp cuối năm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *